Tôi chỉ làm bác sĩ chuyên khoa Tâm thần thôi!
Dưới cơn mưa nặng hạt của tháng 7, Bệnh viện Tâm thần TPHCM – cơ sở 2 (Lê Minh Xuân – tỉnh lộ 10, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) ngày cuối tuần càng thêm vắng lặng. Dọc theo bờ tường dài là hàng cây cao lớn nhè nhẹ đung đưa cành lá, đứng canh gác những dãy nhà mang đậm dấu thời gian.
Nhưng chỉ trong tích tắc, nụ cười của vị Phó giám đốc – BS Trần Quốc Hùng nhanh chóng xua tan bầu không khí trầm lắng nơi đây. Ông cười tươi vui vẻ: “Tôi gắn bó với nơi này hơn 30 năm rồi. Thêm một năm rưỡi nữa là đúng tuổi nghỉ hưu”.
Vẻ ngoài trẻ nhiều so với tuổi, tưởng như bác sĩ còn làm việc thêm 4 – 5 năm nữa. BS Hùng cho biết: “Ngày xưa tốt nghiệp bác sĩ đa khoa. Sau nhận quyết định về công tác tại cơ sở Lê Minh Xuân. Ban đầu buồn chớ bộ. Nhưng rồi nghề chọn người, tôi gắn bó đến giờ, thậm chí yêu luôn nghề này. Giờ kêu tôi làm chuyện khác tôi làm không được. Tôi chỉ làm bác sĩ tâm thần thôi”.

Trụ lại ở một bệnh viện cách xa trung tâm thành phố hơn 20km, thậm chí nhiều đồng nghiệp còn không biết đến cơ sở này, BS Hùng chỉ có một tôn chỉ là đặt chữ “tâm” lên hàng đầu.
Theo ông, không riêng gì ngành Y mà làm bất cứ nghề gì cũng cần có chữ “tâm”. Phải làm việc hết mình, tận tụy rồi “nghề đãi mình”, còn trong đạo Phật gọi là quy luật nhân – quả. Chính nhờ đặt cái “tâm” lên hàng đầu, BS Hùng luôn được mọi người quý trọng.
Nhiều người sau khi xuất viện, vẫn nhớ BS Hùng: “Có lần tôi chở bà xã chạy xe tới gần vòng xoay Phú Lâm, một bệnh nhân cũ xuất viện lâu rồi kêu tôi quá trời. “BS Hùng! BS Hùng!” Giật mình tôi quay lại… Xúc động lắm. Bạn đó rất hồ hởi, mừng rỡ khi gặp tôi làm cho người đi đường xung quanh cũng tò mò nhìn theo…”.
Hay có lần, ông xuống phòng bệnh thì có nam bệnh nhân chạy tới ôm hôn tới tấp. Cũng có trường hợp “khó đỡ” khác, BS Hùng kể: “Hôm đó tôi đang đi trong hành lang bệnh viện, một bệnh nhân nữ đi chiều ngược lại, đột nhiên đấm tôi một cái đau điếng. Rồi cô tỉnh queo đi tiếp, còn tôi thì ngơ ngác” (cười).
Đó chỉ là vài kỷ niệm đáng nhớ trong hàng tá chuyện vui buồn trên chặng đường hành nghề các bác sĩ tâm thần. Với BS Hùng, ông luôn xem người bệnh và thân nhân như ruột thịt của mình, nhẹ nhàng giải thích về bệnh tình của họ, để họ cùng phối hợp với bệnh viện, an tâm điều trị.
Là người bạn đồng hành với hàng nghìn bệnh nhân, BS Hùng mừng vui khi giờ đây “màu sắc” bệnh nhân tốt lên, tươi tắn hơn xưa rất nhiều. Nhờ sự phát triển của các loại thuốc chống loạn thần, thuốc điều hoà khí sắc kết hợp các phương pháp điều trị phối hợp khác và sự chăm sóc tận tình của đội ngũ y bác sĩ mà thần thái, tâm lý bệnh nhân điều trị nội trú rất khác xưa, vui vẻ hơn, tự chăm sóc bản thân rất ổn.
Bệnh viện cũng tạo điều kiện để bệnh nhân làm một số việc đơn giản, từ đó có thêm ý nghĩa và niềm vui trong cuộc sống giúp cho người bệnh tái hoà nhập xã hội, cộng đồng như: may đồ, dệt chiếu… Bệnh nhân được trả tiền công theo quy định và sử dụng chính các sản phẩm do mình làm ra nên rất hài lòng.
Tâm thần học còn có bóng dáng triết học và tôn giáo
Chiêm nghiệm mấy chục năm hành nghề, vị bác sĩ nhận thấy công việc điều trị bệnh tâm thần cũng có khía cạnh tôn giáo và triết học trong đó.
Làm việc hết mình, tận tụy rồi “nghề đãi mình” là quy luật nhân – quả của đạo Phật.
“Có nữ bệnh nhân bị bệnh động kinh, tôi kê thuốc, tư vấn và ghi trong bệnh án rất kỹ. Nếu uống thuốc động kinh thì khi có bầu nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi rất lớn”. Dẫu biết vậy nhưng cô ấy cứ nằng nặc nếu không sinh con thì chồng bỏ. BS Hùng hết lời khuyên nhưng cuối cùng cô ấy vẫn lựa chọn có con.
May sao, hai đứa bé chào đời khỏe mạnh, không bị ảnh hưởng gì. “Tôi mừng cho gia đình bệnh nhân đó quá. Cứ như trời phật độ cho cô ấy và hai cháu bé vậy”.
Ở bệnh viện tâm thần cũng có những chuyện kỳ diệu khác. Thường thì bệnh nhân không chấp nhận mình bị tâm thần nên người xung quanh hỗ trợ đưa đi viện khá vất vả. Nhưng dù là trước đó, bệnh nhân có “quậy” cỡ mấy, xe đến cổng bệnh viện, nhìn thấy bóng dáng blouse trắng là lập tức “xìu”. Cũng khó giải thích được tại sao.

Trong mỗi người đều tiềm ẩn mầm mống nguy cơ, chỉ là những áp lực, stress trong cuộc sống chưa đến mức làm “giọt nước tràn ly”, khởi phát bệnh tâm thần. Bản thân người bệnh tâm thần lại có những lúc tỉnh táo, sáng suốt khiến người khác phải ngạc nhiên. Điều này tựa như xoáy âm dương, trong âm có dương, trong dương có âm.
BS Hùng nhận thấy: “Khi nắm được quy luật này, hành xử của mình trong công việc và cuộc sống cũng dễ dàng hơn, hướng giải quyết của mình sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn, được nhiều người đồng thuận”.
Bác sĩ tâm thần ngoài lĩnh vực chuyên môn còn phải am hiểu tâm lý, nội khoa, ngoại khoa
Kinh nghiệm dày dặn của vị bác sĩ chỉ ra rằng: khi hỏi chuyện một người bệnh tâm thần, đừng nói thẳng như trong sách vở. Nếu muốn thăm dò một người có ý định tự tử hay không thì phải nói: “Anh/chị/em có lúc nào thấy chán nản, không muốn làm gì, bản thân có còn thấy mình có giá trị, ý nghĩa gì trong cuộc sống này không?”
Bệnh tâm thần có yếu tố gia đình nên nói chuyện với người nhà của họ, bác sĩ cũng phải có “chiêu”. Giả sử muốn biết: “Trong nhà có người nào khác bị tâm thần giống vậy không?”, nói thẳng vậy là thua, mà phải khéo léo hỏi rằng: “Để ý coi trong nhà có người nào có biểu hiện khác lạ giống ông/bà (bệnh nhân) này không?”, thì người nhà bệnh nhân mới dễ mở lời.
Để chẩn đoán bệnh tâm thần, bác sĩ phải loại trừ các bệnh thực thể khác, đồng thời người bệnh cũng có sẵn các bệnh nền trước đó, có người loạn thần vì nghiện chất, có người bị di chứng của đột quỵ, chấn thương sọ não… nên bác sĩ tâm thần phải am hiểu cả nội khoa, ngoại khoa.
BS Hùng cho rằng, nếu một bác sĩ đa khoa đi sâu vào chuyên khoa tâm thần và học thêm chuyên ngành tâm lý thì rất tuyệt vời. Nhưng nói gì thì nói, vẫn phải dấn thân vào nghề, điều trị nhiều ca bệnh khác nhau, trải qua nhiều tình huống dở khóc dở cười mới thấm thía hết được sự vất vả của nghề và giỏi lên được.
Nếu như ở các nước phát triển, theo quy định, một bác sĩ tâm thần chỉ được khám tối đa 6 bệnh nhân/ngày, mỗi bệnh nhân khám trong 60 phút. Nhưng nước ta với tỉ lệ bác sĩ tâm thần trên dân số còn rất thấp, có những ngày khám cả trăm ca, áp lực rất lớn.
Chưa kể, điều kiện để điều trị bệnh nhân tâm thần còn thiếu đồng bộ. Rồi định kiến xã hội đối với bệnh nhân tâm thần và gia đình của họ. Dù ngày nay cái nhìn về bệnh tâm thần đã cởi mở hơn, đa số mọi người vẫn không thoải mái khi đến khám ở chuyên khoa Tâm thần. Người bệnh động kinh, mất ngủ vẫn thích đến chuyên khoa Nội thần kinh hơn.

Ước mơ về một cơ sở điều trị khang trang và đầy đủ công năng
Trong 30 năm hành nghề tại cơ sở Lê Minh Xuân, giai đoạn COVID-19 là để lại nhiều dấu ấn nhất đối với BS Hùng. Gần 5 tháng cách ly trong bệnh viện, không được về nhà, tâm lý chịu ảnh hưởng lớn. Một người luôn lạc quan, vui vẻ như BS Hùng nếm trải cảm giác bức bối, đụng chuyện gì cũng dễ cáu.
Thời điểm đó, cơ sở Lê Minh Xuân được Sở Y tế TPHCM chọn là một trong những nơi điều trị người bệnh tâm thần mắc COVID, tiếp nhận 150 bệnh nhân. May mắn là nhờ thực hiện tốt công tác phòng bệnh nên hơn 500 bệnh nhân tâm thần cùng đội ngũ y bác sĩ đã an toàn đi qua mùa dịch.
Sau đại dịch, Bệnh viện Tâm thần được bình chọn là 1 trong 12 thành tựu y khoa của TP. Hồ Chí Minh, với thành tựu “Bệnh viện tâm thần cấp cứu trầm cảm sau COVID-19”.
Quy mô hiện tại của bệnh viện điều trị nội trú 500 bệnh nhân, vượt công suất so với thiết kế ban đầu là 350 giường bệnh, trong đó có 4 khoa nam và 1 khoa nữ. Nhưng dân số ngày càng tăng, tỉ lệ người mắc bệnh lý tâm thần ngày càng nhiều nên con số 500 giường là không đủ.
Hơn 3 tiếng đồng hồ trôi qua chóng vánh. Mưa ngớt hạt và vị bác sĩ cũng có cuộc hẹn khác phải đi ngay. Nếu không, câu chuyện về người bệnh, việc điều trị, dự tính tương lai, truyền nghề cho thế hệ kế cận… dường như bất tận.
Khoác thêm chiếc áo mưa cánh dơi, vị phó giám đốc vội vã đi ra chỗ để xe máy. Với BS Hùng, ngoài giờ hành chính không phải là lúc nghỉ ngơi. Điện thoại luôn mở, ông sẵn sàng lắng nghe, trợ giúp những người cần được tư vấn về tâm lý các liệu pháp điều trị.
Thiên Thanh – Hồng Nhung
- Từ khóa:
- bác sĩ chuyên khoa tâm thần
- bác sĩ tâm thần giỏi
- BS Trần Quốc Hùng
- BV tâm thần lê minh xuân